Các Hình Thức Quản Lý Trực Quan
Các Hình Thức Quản Lý Trực Quan
- Phương pháp Quản lý trực quan nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của một quá trình bằng cách làm cho các bước trong quá trình đó có thể nhìn thấy rõ hơn. Lý thuyết cơ sở của Quản lý trực quan là nếu một cái gì đó rõ ràng là có thể nhìn thấy, nó rất dễ dàng để nhớ và lưu giữ trong tâm trí. Một khía cạnh khác của Quản lý trực quan là tất cả mọi người được đưa ra các tín hiệu thị giác tương tự nhau và do đó có thể hiểu giống nhau.
- Những tín hiệu truyền thông tin bằng phương pháp trực quan có thể có hình thức, dạng trực quan đơn giản như sử dụng màu sắc để phân biệt các nhóm sản phẩm, các loại sản phẩm hoặc các nhóm công việc, hoặc hình thức phức tạp hơn như các bảng hiển thị điện tử, các hộp Canban (dạng thẻ truyền thông tin sản xuất và vận chuyển) và Heijunka (cân bằng chuyền sản xuất) và nhiều ví dụ đa dạng khác. Các công cụ trực quan thường ở các hình thức sau:
* Hình thức hiển thị trực quan
- Hình thức hiển thị trực quan cho dấu hiệu nhận biết giúp cho người công nhân tránh được sai sót trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, điều này dựa trên một nghiên cứu cho thấy rằng hơn 83% thông tin mà con người thu nhận được thông qua thị giác. Bởi vậy, bằng cách tạo ra các dấu hiệu nhận biết, tác động trực tiếp tới thị giác của người lao động sẽ giúp giảm các sai lỗi vô ý của con người trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyên tắc là:
- Mỗi đồ vật được sắp xếp ở một nơi riêng biệt
- Tất cả các đồ vật và vị trí của chúng nên được thể hiện bằng cách ghi nhãn hệ thống
- Đặt các đồ vật tại nơi dễ thấy để giảm thiểu thời gian tìm kiếm
- Đặt các đồ vật sao cho có thể lấy và vận chuyển chúng dễ dàng (Sách vở và hồ sơ xếp đống trực tiếp trên nền nhà là kẻ thù đối với Quản lý trực quan và cần phải xử lý)
- Loại bỏ các tài liệu không cần thiết
- Vận chuyển và sắp xếp lại các tài liệu cần thiết
- Lưu kho các tài liệu ít dùng vào các kho chứa
- Nếu không có gì trên sàn nhà, sẽ rất thuận tiện khi làm vệ sinh
* Hình thức cảnh báo trực quan
Có thể thực hiện cảnh báo bằng màu sắc do màu sắc tạo ra sự tương phản và từ đó tác động trực tiếp tới thị giác của người lao động, bởi vậy sử dụng màu sắc để giúp người lao động nhìn ra các vấn đề trong hoạt động sản xuất là rất cần thiết.
- Ngoài ra, các chỉ số dùng để kiểm soát hay báo hiệu điều chỉnh cho thành viên nhóm. Các bảng biểu có thể bao gồm cả thông tin về tiến độ sản xuất, thông tin theo dõi chất lượng…Ví dụ các bảng mà chỉ thị giới hạn kiểm soát nhiệt độ hay tốc độ giúp người vận hành thiết bị nhanh chóng phát hiện khi quá trình vận hành vượt mức cho phép. Thẻ Kanban là một ví dụ khác về kiểm soát bằng trực quan.
* Hình thức chỉ dẫn trực quan
- Hình thức này giúp truyền đạt các quy trình sản xuất hay luồng vật tư được quy định. Chẳng hạn, việc sử dụng các ô vẽ trên nền nhà xưởng để phân biệt khu vực chứa vật liệu sử dụng được với phế phẩm hay các chỉ dẫn luồng di chuyển nguyên vật liệu và bán thành phẩm trên mặt bằng xưởng.
- Để thực hiện Quản lý trực quan tại nơi sản xuất cũng như khu vực dịch vụ thì việc xác định tên hàng hóa, bao gồm: Hàng thành phẩm, sản phẩm sản xuất dở dang, sản phẩm loại bỏ là rất cần thiết, điều này sẽ giúp tránh sử dụng nhầm lẫn các loại sản phẩm này để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
- Quản lý trực quan bước đầu phải bằng việc gắn tên nhãn phù hợp cho nguyên vật liệu, sản phẩm, dụng cụ, hồ sơ - tài liệu. Đó là cách thức trực quan hóa, giúp người sử dụng dễ dàng nhận biết, từ đó sử dụng đúng ngay từ đầu cũng như giảm thời gian tìm kiếm, nâng cao năng suất lao động.
Nguyên tắc là:
- Mỗi đồ vật được sắp xếp ở một nơi riêng biệt.
- Tất cả các đồ vật và vị trí của chúng nên được thể hiện bằng cách ghi nhãn hệ thống.
- Đặt các đồ vật tại nơi dễ thấy để giảm thiểu thời gian tìm kiếm.
Đặt tên và địa chỉ cho từng đồ vật là một trong những nguyên tắc chính của chỉ dẫn trực quan. Điều này giảm đáng kể sự phiền toái và thời gian tìm kiếm các đồ vật; giảm chi phí, ngoài ra còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thao tác an toàn do giảm đáng kể các sai sót phạm phải khi làm việc và vận chuyển vật liệu.
Để vận dụng hình thức chỉ dẫn trực quan phù hợp trong khu vực kho ta có thể áp dụng nguyên tắc nhập trước - xuất trước (FIFO). Nguyên tắc này được vận dụng khi áp dụng hình thức chỉ dẫn trực quan trong việc sắp xếp các đồ vật, linh, phụ kiện và thành phẩm trong kho. Hệ thống nhập trước xuất trước thường được sử dụng trong các kho, phân xưởng sản xuất có số lượng lớn hàng hóa phải xuất nhập theo hướng nhập trước - xuất trước.
Nguồn: Tổng hợp và sưu tầm
Tham gia Group Kiến thức Quản trị sản xuất để nhận được những tin tức mới nhất và có đồng đội luôn đồng hành, hỗ trợ!
Xem thêm