Biểu Đồ Pareto (Pareto Chart)
Biểu Đồ Pareto (Pareto Chart)
Biểu đồ Pareto được xây dựng trên quy luật Pareto do nhà quản trị doanh nghiệp Joseph M.Juran đề xuất theo phát hiện của nhà Kinh tế học Vilfredo Pareto, ông nhận thấy 20% dân số Ý sở hữu 80% tài sản của nước này. Quy luật Pareto hay quy luật (80/20) cho rằng 80% vấn đề trong công việc phát sinh từ 20% nguyên nhân chủ đạo. Tuy nhiên, con số 80 - 20 chỉ là tương đối chứ không phải một tỷ số chính xác. Trong quản lý chất lượng cũng thường nhận thấy rằng:
- 80% thiệt hại về chất lượng do 20% nguyên nhân gây nên;
- 20% nguyên nhân gây nên 80% tình trạng kém chất lượng.
Biểu đồ Pareto là một phương pháp để xác định phân loại những vấn đề thành “trọng yếu và thứ yếu” và thường có hai loại biểu đồ
* Pareto:
✓ Biểu đồ Pareto theo hiện tượng: được sử dụng để phát hiện ra đâu là vấn đề chính. Các hiện tượng có thể bao gồm: về chất lượng là các khuyết tật, sai lỗi, khiếu nại, sản phẩm bị trả lại, phải sửa chữa; về chi phí là lãng phí, tiêu hao; về giao hàng là thiếu hàng, tồn kho, giao hàng trễ; về an toàn là các vụ tai nạn, các sai sót, hỏng hóc.
✓ Biểu đồ Pareto theo nguyên nhân: được sử dụng để phát hiện đâu là nguyên nhân chính của vấn đề. Các nguyên nhân này có thể bao gồm: Con người là người vận hành ca, nhóm, tuổi, kinh nghiệm, kỹ năng; Máy móc là các loại máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ, cách thức bố trí, model, phương tiện; Nguyên vật liệu là nhà sản xuất, nhà máy, lô, chủng loại nguyên vật liệu; Phương pháp vận hành là các điều kiện vận hành, trình tự vận hành, phương pháp, sắp xếp.
* Mục đích, ý nghĩa và lợi ích áp dụng
Trong kiểm soát chất lượng, biểu đồ Pareto được sử dụng để thể hiện các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra khuyết tật, các dạng khuyết tật có tần suất xảy ra cao nhất hoặc các vấn đề khiếu nại của khách hàng thường hay gặp nhất.
Phân tích Pareto rất quan trọng trong quá trình cải tiến. Khi thực hiện các cải tiến thường sử dụng kết hợp nhiều công cụ khác nhau và có thể tiến hành như sau:
+ Đầu tiên, dữ liệu được thu thập thông qua phiếu kiểm tra;
+ Tiếp theo, kết quả của phiếu kiểm tra được phân tích bằng cách sử dụng biểu đồ Pareto;
+ Khi đã xác định các vấn đề quan trọng dùng biểu đồ nhân quả (xương cá) để phân tích vấn đề;
+ Cuối cùng, sử dụng biểu đồ kiểm soát để biểu diễn sự ổn định của quá trình.
* Biểu đồ Pareto được sử dụng rộng rãi để lựa chọn các vấn đề và các đối tượng nghiên cứu, khảo sát tại giai đoạn lập kế hoạch của quá trình giải quyết vấn đề chất lượng và để xác nhận kết quả của hoạt động khắc phục khi những hành động này đã được thực hiện. Từ biểu đồ Pareto, cho thấy:
+ Hạng mục nào quan trọng nhất;
+ Hiểu được mức độ quan trọng;
+ Tỷ lệ một số hạng mục trong số các hạng mục;
+ Mức cải tiến đạt được sau khi thực hiện các hoạt động cải tiến;
+ Dễ dàng thuyết phục về một vấn đề nào đó chỉ cần nhìn trên biểu đồ
Nguồn: Tổng hợp
Tham gia Group Kiến thức Quản trị sản xuất để nhận được những tin tức mới nhất và có đồng đội luôn đồng hành, hỗ trợ!
Xem thêm