Lãng Phí Sai Lỗi/ Khuyết Tật

Lãng Phí Sai Lỗi/ Khuyết Tật

- Sai lỗi/ Khuyết tật là sai sót bất kỳ của sản phẩm hay dịch vụ trong việc đáp ứng một trong số những quy định của khách hàng hay đối tác. Một sản phẩm lỗi có thể có một hay nhiều lỗi. Bên cạnh các sai lỗi về mặt vật lý trực tiếp làm tăng chi phí, sai lỗi cũng bao gồm các sai sót về giấy tờ, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, giao hàng trễ, sản xuất sai quy cách, sử dụng quá nhiều nguyên vật liệu hay tạo ra phế liệu không cần thiết, v.v...

- Sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ có thể ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách hàng, đến uy tín của doanh nghiệp thông qua việc khiếu nại của khách hàng về chất lượng không phù hợp, thời gian giao hàng chậm, v.v. Điều này, sẽ có thể buộc khách hàng phải chờ cho tới khi có hàng, do đó, có thể làm mất đi thiện chí muốn hợp với doanh nghiệp trong tương lai của khách hàng. Nếu không có sẵn hàng thì sẽ mất đi cơ hội bán hàng. Khách hàng bên ngoài khiếu nại gia tăng đồng nghĩa với sự thoả mãn khách hàng giảm. Khách hàng nội bộ thì căng thẳng, uể oải, mất tự tin trong sản xuất, nhất là sửa chữa hàng hỏng, mất lòng tin vào quản lý sản xuất.

- Việc sai lỗi còn dẫn đến nguy cơ làm nghẹt dòng chảy của quá trình sản xuất, dẫn đến trường hợp chờ đợi, công đoạn sau không có nguồn nguyên liệu, sản phẩm để tiếp tục sản xuất, hàng bán thành phẩm còn nhiều trên chuyền.

- Với việc phát sinh sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải mất thêm nhiều khoản chi: ví dụ chi phí để xử lý các sai lỗi, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công của công đoạn trước đó, chi phí năng lượng tạo ra sản phẩm, chi phí nhân công để khắc phục sai lỗi, v.v. Thông thường, các doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến chi phí khắc phục các sai lỗi mà chưa tính đến các chi phí (nhân công, năng lượng, nguyên vật liệu, v.v.) tạo ra sản phẩm trước đó. Đối với các doanh nghiệp có dạng bố trí sản xuất hàng loạt, các sai lỗi trên sản phẩm sau khi sản xuất là rất nghiêm trọng, nếu khách hàng phát hiện được. Do đó, bản thân mỗi nhân viên, công nhân ở mỗi công đoạn, khu vực phải tự kiểm tra và đồng thời thực hiện kiểm tra công đoạn trước đó.

* Nguyên nhân gây ra sai lỗi/khuyết tật:

- Các yếu tố đầu vào của một quá trình sản xuất, kinh doanh tại bất cứ doanh nghiệp hay tổ chức nào là: Con người, Nguyên vật liệu, Máy móc thiết bị, Phương pháp và Môi trường. Đây cũng chính là các nhóm nguyên nhân cốt lõi ra gây các sai lỗi tại doanh nghiệp và các nguyên nhân gây ra sai lỗi thì muôn hình vạn dạng, mỗi doanh nghiệp, mỗi tình huống có thể giống hay khác nhau. Tuy nhiên, một điều chắn chắn rằng sai lỗi sẽ xảy ra nếu như máy móc không tốt, công nhân chưa được huấn luyện, làm sai thao tác, các dụng cụ đo không đúng, môi trường làm việc không phù hợp ảnh hưởng đến công nhân viên. Để loại bỏ được lãng phí do sai lỗi gây ra cần đảm bảo việc làm đúng ngay từ công đoạn kiểm tra đầu vào cho đến suốt quá trình sản xuất.

- Các sai lỗi đến từ nhóm yếu tố con người có thể là do người thaotác và làm việc trực tiếp tại công đoạn đó không chú ý hoặc không nhận thức được đầy đủ các yêu cầu của loại sản phẩm đó, không tuân thủ các quy định hoặc bỏ qua các thao tác vận hành chuẩn.

- Khuyết tật xảy ra do sự sai sót của con người vô tình hay cố ý, sự dao động vượt quá dung sai chế tạo cho phép, hoạt động của máy móc thiết bị thiếu ổn định, dụng cụ đồ gá gây ra khuyết tật. Nguyên nhân cũng có thể do họ thiếu được đào tạo, hướng dẫn, v.v. cán bộ quản lý không quan tâm hoặc thiếu kiểm soát, quản lý cũng sẽ góp phần gia tăng các sai lỗi trong doanh nghiệp.

- Máy móc, thiết bị không đảm bảo, bị hư hỏng sẽ dẫn đến các sản phẩm, dịch vụ từ loại máy móc, thiết bị đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc phương pháp thực hiện chưa phù hợp, như phương pháp hướng dẫn đo lường chưa đúng dẫn đến kết quả đo lường sẽ không đảm bảo, hoặc phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện tại chỉ mới tập trung kiểm tra ở công đoạn cuối cùng hoặc quy định mỗi nhân công chỉ có trách nhiệm sản xuất ra sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, yếu tố chất lượng hoàn toàn do bộ phận chất lượng chịu trách nhiệm, phương pháp xếp dỡ hàng hóa không phù hợp sẽ làm tăng thêm các sản phẩm lỗi, v.v.

* Giải pháp khắc phục, loại bỏ lãng phí sai lỗi/khuyết tật

(1) Xác định nguyên nhân gốc rễ của sai lỗi trong quá trình sản xuất kinh doanh. Việc kiểm tra chỉ là cách phân loại các sản phẩm bị sai lỗi, không phải là giải pháp để loại bỏ nguyên nhân sự lãng phí này. Có thể ứng dụng biểu đồ Pareto để xác định được những vấn đề trọng yếu cần ưu tiên giải quyết, giúp cho doanh nghiệp định hướng được các giải pháp và là cơ sở đối chiếu so sánh sự việc trước và sau khi xử lý thông qua việc sử dụng các cột để minh hoạ các hiện tượng, nhóm lại các dạng như là các khuyết tật, tái sản xuất, sửa chữa, khiếu nại, tai nạn và hỏng hóc.

(2) Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho mỗi quá trình (công đoạn), tại đây có thể đánh giá chất lượng bằng kỹ thuật thống kê (phiếu kiểm tra, tổng hợp thống kê lỗi qua các kỹ thuật thống kê quá trình) sẽ đánh giá quá trình đang ổn định hay mất ổn định, cần tập trung kiểm soát ở đâu.

(3) Soạn thảo, ban hành và đưa vào áp dụng các hướng dẫn công việc, chuẩn hóa các thao tác cho tất cả các công đoạn, khu vực. Ưu tiên thực hiện trước cho các công đoạn phát sinh nhiều sai lỗi. Tùy theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà các hướng dẫn, quy định này có thể thể hiện bằng lời, bằng hình ảnh hay bằng video. Tuy nhiên, dù sử dụng phương pháp nào thì sau khi ban hành các quy định này, doanh nghiệp cần lưu ý đến phương pháp đào tạo, huấn luyện và giám sát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn này.

(4) Xây dựng cẩm nang chất lượng, trong đó nêu các vấn đề mà doanh nghiệp thường gặp hoặc có thể gặp phải, tương ứng đó là các hành động khắc phục, phòng ngừa tương ứng để toàn thể cán bộ có thể tham khảo và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống này khi xảy ra.

(5) Đào tạo, thay đổi nhận thức của công nhân để mỗi công nhân là người kiểm tra chất lượng. Bởi công nhân tự kiểm tra sẽ kịp thời được phát hiện khuyết tật, không làm ngưng trệ quá trình sản xuất. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có chuẩn mực cho công việc và công nhân nắm bắt thấu đáo chuẩn mực đó; và luôn có sự giám sát, hỗ trợ của bộ phận kiểm soát chất lượng.

(6) Áp dụng các công cụ, mô hình loại bỏ lãng phí do sai lỗi/khuyết tật:

- Phương pháp phòng chống sai lỗi Poka Yoke;

- Bẩy công cụ kiểm soát chất lượng vào quá trình phân tích và kiểm soát lỗi;

- Mô hình Nhóm huấn luyện (TWI -Training Within Industry) vào doanh nghiệp với ba chương trình gồm Kỹ năng chỉ dẫn công việc (JIT), Kỹ năng quan hệ trong công việc (JRT), và Kỹ năng cải tiến công việc (JMT);

- Sản xuất theo dòng chảy sản phẩm và tiến tới dòng chảy một sản phẩm. Khi đó dễ phát hiện khuyết tật nếu xảy ra

  Nguồn: Tổng hợp

#chienluocvaquantrisanxuat

#chiasekienthucquantrisanxuat
 

Lãng Phí Sai Lỗi/ Khuyết Tật

 

kien-thuc-quan-tri-san-xuat

Tham gia Group Kiến thức Quản trị sản xuất để nhận được những tin tức mới nhất và có đồng đội luôn đồng hành, hỗ trợ!


Tin tức liên quan

LOẠI BỎ LÃNG PHÍ TRONG DOANH NGHIỆP
LOẠI BỎ LÃNG PHÍ TRONG DOANH NGHIỆP

LOẠI BỎ LÃNG PHÍ TRONG DOANH NGHIỆP
NGUY CƠ LÃNG PHÍ TỪ VẬN CHUYỂN
NGUY CƠ LÃNG PHÍ TỪ VẬN CHUYỂN

NGUY CƠ LÃNG PHÍ TỪ VẬN CHUYỂN
SẢN XUẤT THỪA
SẢN XUẤT THỪA

SẢN XUẤT THỪA
LÃNG PHÍ CHỜ ĐỢI
LÃNG PHÍ CHỜ ĐỢI

LÃNG PHÍ CHỜ ĐỢI
LÃNG PHÍ DO SẢN XUẤT DƯ THỪA
LÃNG PHÍ DO SẢN XUẤT DƯ THỪA

LÃNG PHÍ DO SẢN XUẤT DƯ THỪA
LÃNG PHÍ SẢN XUẤT THỪA
LÃNG PHÍ SẢN XUẤT THỪA

LÃNG PHÍ SẢN XUẤT THỪA
Nguy Cơ Lãng Phí Từ Thao Tác, Chuyển Động
Nguy Cơ Lãng Phí Từ Thao Tác, Chuyển Động

Nguy Cơ Lãng Phí Từ Thao Tác, Chuyển Động
LÃNG PHÍ TỪ TỒN KHO
LÃNG PHÍ TỪ TỒN KHO

LÃNG PHÍ TỪ TỒN KHO

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng